Theo dõi trên

Toàn tỉnh tập trung cho nhiệm vụ giữ rừng

04/03/2024, 05:10

Hiện nay đang là cao điểm mùa khô, thường có gió mạnh nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong khi đó, nhìn lại công tác bảo vệ rừng thời gian qua cho thấy có không ít hạn chế, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn ở mức cao. Vì thế, hơn lúc nào hết, giữ rừng là nhiệm vụ cần được tập trung ưu tiên hàng đầu…

Gia tăng số vụ vi phạm

Hiện nay, tổng diện tích có rừng của tỉnh trên 342 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên 296.900 ha, diện tích rừng trồng 45.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,11%. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng rụng lá vào mùa khô (rừng khộp), nằm phân bố ở vùng đồng bằng, núi đất đến vị trí giáp ranh với vùng rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh. Đặc điểm trên khiến lực lượng bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển để thực thi nhiệm vụ chống phá rừng hoặc di chuyển lực lượng để tiếp cận đám cháy và triển khai công tác chữa cháy rừng.

z5199890932916_f43517222d8a6d18b355d789343ae3a7.jpg
Một góc rừng tự nhiên ở huyện Hàm Thuận Nam.

Bên cạnh, diện tích rừng trồng, rừng trồng chưa thành rừng nằm phân bố trên các lâm phận có khí hậu khô, nóng gồm các loài cây chủ yếu là keo, phi lao, bạch đàn... Phần lớn những diện tích rừng trồng nằm tiếp giáp với các khu vực dân cư và đất canh tác nông nghiệp nên những diện tích rừng này dễ bị xâm hại, có nguy cơ cháy rừng cao. Năm 2023, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua thống kê, toàn tỉnh xảy ra 289 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 37 vụ so với năm 2022. Đến nay đã xử lý vi phạm hành chính 219 vụ; tịch thu 192 m³ gỗ các loại, 78 xe máy cùng nhiều phương tiện khác; nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, quyết định khởi tố hình sự 6 vụ (huyện Tuy Phong 1 vụ, Bắc Bình 2 vụ, Hàm Thuận Nam 1 vụ, Tánh Linh 2 vụ). Điều đó thể hiện quyết tâm của các ngành, địa phương trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, song cũng cho thấy tình trạng vi phạm trên lĩnh vực này gia tăng, phức tạp; đồng thời đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ rừng.

Ngoài ra, năm vừa qua còn xảy ra 25 vụ/7,19 ha đất rừng bị lấn, chiếm. Mùa khô 2022-2023, toàn tỉnh xảy ra 14 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 16,55 ha, tăng 9 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (Hàm Thuận Bắc 2 trường hợp/0,85 ha, Hàm Thuận Nam 6 trường hợp/11 ha, Tánh Linh 4 trường hợp/1,68 ha, Tuy Phong 2 trường hợp/3,03 ha).

z5199890911805_541c9444865cb2e2b71c2d9adc2552ae.jpg
z5199890851239_0c7a42fb6d91cac2e4ebacb4d18bd5db.jpg
Lực lượng chức năng làm ranh cản lửa trong rừng để ngăn cháy lan.

Tập trung giữ rừng

Qua rà soát của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều nơi thuộc khu vực trọng điểm cần tập trung tổ chức quản lý, bảo vệ và kiểm tra, truy quét. Đơn cử, tại huyện Tuy Phong, nơi có nguy cơ xảy ra tình hình phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là khu vực rừng tự nhiên giáp ranh huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng, giáp ranh huyện Bắc Bình. Khu vực có nguy cơ xảy ra tình hình lấn, chiếm đất rừng trái phép là Lâm phận thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong: khu vực rừng trồng ven biển xã Chí Công (tiểu khu 53A, 54, 55A, 53B), xã Bình Thạnh (tiểu khu 55B) và thị trấn Phan Rí Cửa (tiểu khu 56). Lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông – Đá Bạc, bao gồm khu vực rừng tự nhiên xã Phan Dũng giáp ranh huyện Bắc Bình. Tại huyện Bắc Bình, nơi có nguy cơ xảy ra tình hình phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái pháp luật là khu vực tại các xã: Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến và vùng giáp ranh thuộc lâm phận các Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Cà Giây, Sông Mao...

Với mục tiêu giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm thiệt hại tài nguyên rừng trong năm 2024, tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp huyện, xã phải chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng, phòng chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Theo đó, cần tập trung tối đa lực lượng để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có với phương châm “phòng là chính, bảo vệ rừng và chữa cháy rừng phải chủ động, khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn”, nhất là ở các khu rừng có trữ lượng, giá trị kinh tế cao nằm giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất rừng trái phép, không để xảy ra các điểm nóng.

Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Việc bố trí lực lượng kiểm tra, truy quét chống phá rừng phải bảo đảm chủ động, bí mật, bất ngờ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chủ quản với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, xã của tỉnh bạn giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng làm nòng cốt trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng và chữa cháy rừng.

Kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng với công tác xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm, đặc biệt là đấu tranh làm rõ các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ phải xác lập hồ sơ ban đầu một cách chặt chẽ, chuyển cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phục vụ cho công tác điều tra, xử lý công khai theo quy định.

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chi trả Dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển diện tích rừng của tỉnh
Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần ổn định lâu dài, nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị chủ rừng. Đặc biệt đã huy động được các nguồn lực xã hội có sử dụng DVMTR để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giảm gánh nặng chi bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn tỉnh tập trung cho nhiệm vụ giữ rừng