Theo dõi trên

Mỗi vắc xin có chống, chỉ định khác nhau

22/10/2021, 09:37

BT- Hiện nay, toàn quốc có 5 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép, gồm: Pfizer, Moderna, Astra Zeneca, Sputnik V và Vero Cell của hãng Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Với bất cứ loại vắc xin nào, mỗi nhà sản xuất sẽ có quy định khác nhau về chỉ định, chống chỉ định tiêm chủng.

Liên quan tới phản ánh của Tổ giám sát Covid cộng đồng phường Phú Tài (Phan Thiết), về việc “Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân theo thứ tự ưu tiên, thì có phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các trường hợp này đến điểm tiêm, thì nhân viên y tế mời họ về”. Trung tâm Y tế Phan Thiết đã thông tin “vắc xin Vero Cell không tiêm được cho phụ nữ có thai, cho con bú”, dư luận và cộng đồng mạng có nhiều tranh luận. Để hiểu hơn về vấn đề này,  phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để biết rõ thêm thông tin dưới góc độ chuyên môn y tế.

Thưa bác sĩ, vì sao Trung tâm Y tế Phan Thiết từ chối tiêm vắc xin Vero Cell cho phụ nữ có thai?

Bác sĩ Đinh Thế Hùng: Nếu như người dân vào các website trên mạng internet tìm hiểu thông tin vắc xin Vero Cell, thì sẽ thấy những văn bản, hướng dẫn rằng Vero Cell này có thể tiêm cho phụ nữ có thai, cho con bú. Tuy nhiên, cũng có những trang website nêu rõ: Chống chỉ định tiêm Vero Cell cho phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú.

Bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Ngành y tế Bình Thuận hiện đang áp dụng theo hướng dẫn của Viện Pasteur Nha Trang. Viện này đã có bản dịch từ hướng dẫn chính thống của hãng Sinopharm về vắc xin Vero Cell. Trong đó, ghi rõ chống chỉ định với phụ nữ có thai. Vì vậy, các trung tâm y tế phải tuân thủ, không tiêm vắc xin này cho phụ nữ có thai. Riêng người trên 65 tuổi, phần hướng dẫn của hãng Sinopharm cảnh báo “nên thận trọng”. Điều này khác với chống chỉ định, tùy tình hình sức khỏe, thể trạng có thể tiêm vắc xin này cho người trên 65 tuổi.

Trên cơ sở hướng dẫn từ Viện Pasteur Nha Trang, việc các trạm y tế yêu cầu phụ nữ có thai hoãn tiêm để chờ các loại vắc xin phù hợp khác là đúng theo quy định.

Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về chống chỉ định trên?

Bác sĩ Đinh Thế Hùng: Các vắc xin phòng Covid-19 được sản xuất, phê duyệt và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Các cuộc nghiên cứu trên diện rộng về tác dụng phụ của các loại vắc xin này chưa đủ thời gian thực hiện. Để đảm bảo an toàn, các hãng vắc xin luôn có những cảnh báo, chống chỉ định ở mức độ rộng và cao hơn, bao gồm nhóm trẻ em và phụ nữ mang thai liên quan đến sự phát triển của thai nhi cần phải thận trọng nhất. Do thời gian nghiên cứu ngắn, hãng sản xuất sẽ không thể biết được vắc xin này tiêm cho phụ nữ có thai có xảy ra tác dụng phụ cho thai nhi hay không, hoàn toàn không đủ thời gian để đánh giá điều này. Vì vậy, hãng sản xuất đưa phụ nữ có thai vào danh sách chống chỉ định.

Người dân Phan Thiết được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Không riêng gì vắc xin Vero Cell mà các loại vắc xin khác, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn cụ thể: Bác sĩ phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích khi tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai, phải giải thích rõ cho người được tiêm, yêu cầu họ ký cam kết khi tiêm vắc xin, thì mới triển khai tiêm. Thêm vào đó, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai tại các cơ sở có đủ điều kiện sẵn sàng cấp cứu sản khoa. Do đó, các trạm y tế tuyến dưới không tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai là hoàn toàn đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Dư luận cho rằng các tỉnh, thành khác vẫn tiêm vắc xin Vero Cell cho phụ nữ mang thai, bác sĩ giải thích thêm về điều này?

Bác sĩ Đinh Thế Hùng: Chúng ta khỏe mạnh, không có bệnh nền thì việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 rất an toàn. Tuy nhiên, với phụ nữ có thai, ngay cả khi tiêm các loại vắc xin khác như Pfizer hoặc Moderna, AstraZeneca… thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi có thể xảy ra. Chúng ta phải đánh giá giữa nguy cơ này, với các nguy cơ nhiễm Covid-19, cái nào có nguy cơ lớn hơn.

Mỗi tỉnh, thành khác đánh giá mức độ nguy cơ dịch Covid-19 khác nhau, và hướng dẫn từ Viện Pasteur của những vùng sẽ khác nhau. Ở tỉnh, thành hoặc vùng được đánh giá có nguy cơ dịch Covid-19 cao hơn, thì tiêm cho phụ nữ có thai thuộc về thẩm quyền y tế ở nơi đó. Điều này không có mâu thuẫn với những nơi được đánh giá nguy cơ dịch thấp hơn.

Chẳng hạn, tình trạng số ca F0 quá nhiều trong cộng đồng ở một tỉnh hoặc vùng, thì nguy cơ nhiễm Covid-19 dẫn đến tử vong, hoặc tổn thương về sức khỏe là rất lớn. Phụ nữ có thai được khuyến cáo nên tiêm vắc xin. Bởi nguy cơ tai biến sau khi tiêm vắc xin vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Còn Bình Thuận được đánh giá vùng xanh, trong bối cảnh số ca F0 tương đối thấp, thì nguy cơ nhiễm Covid-19 cũng thấp hơn so với những tỉnh, vùng có nguy cơ cao và rất cao. Do đó, nguy cơ nhiễm Covid-19 dẫn đến hao tổn sức khỏe với phụ nữ có thai vẫn có, nhưng thấp. Trên cơ sở này, ngành y tế tỉnh sẽ cân nhắc giữa nguy cơ này và nguy cơ biến chứng khi tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Trang Minh (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi vắc xin có chống, chỉ định khác nhau