Theo dõi trên

Lãnh đạo EU ngày càng bi quan về châu Âu

14/02/2017, 13:37

Việc Chủ tịch Uỷ ban châu Âu mới đây tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 là một tín hiệu rõ nét cho thấy các lãnh đạo EU đang ngày càng nản chí.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Đức Deutschlandfunk hôm 12/2, ông Juncker tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, cương vị được ví như là Thủ tướng của Liên minh châu Âu.

                
      
      Việc Chủ tịch Uỷ ban    châu Âu mới đây tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 là một tín    hiệu rõ nét cho thấy các lãnh đạo EU đang ngày càng nản chí.

Sẽ không có gì đáng nói nếu ông Jean Claude Juncker sắp bước vào thời điểm hoàn tất nghĩa vụ của mình nhưng, vấn đề ở đây, là ông Juncker còn phải hơn 2 năm nữa, tức cuối 2019, mới hết nhiệm kỳ. Và ở vào lúc đưa ra tuyên bố thoái lui này, vị cựu Thủ tướng Luxemburg thậm chí chưa đi hết được nửa chặng đường mà trước đó ông đã phải tranh đấu rất quyết liệt mới giành được vị trí dẫn đầu.

Nếu cần nhắc lại, thì cuối 2013, sau scandal thu thập tinh tức tình báo của các công dân gây tranh cãi gay gắt ở Luxemburg dẫn đến việc phải từ chức Thủ tướng, ông Jean Claude Juncker đã xem châu Âu như là “cơ hội cuối cùng” để cứu vãn sự nghiệp chính trị của mình. Với quyết tâm đó, ông Juncker đã đương đầu quyết liệt với sức ép từ nước Anh để ngồi được vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp EU. Để rồi chỉ hơn 2 năm sau, đã nản chí thoái lui.

Trong bài xã luận viết về tuyên bố của ông Juncker, tờ Le Monde của Pháp nhận định: “Đây là một sự đầu hàng. Sự thoái lui này của ông Juncker như một hồi chuông thừa nhận sự bất lực của Liên minh châu Âu”.

Thực tế, khó có một thời điểm nào tệ hại hơn đối với EU và cá nhân ông Jean Claude Juncker để đưa ra một tuyên bố bi quan như vậy.

Theo kế hoạch, vài tuần nữa (vào cuối tháng 3), nước Anh sẽ chính thức tuyên bố kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để xúc tiến quá trình rời khỏi EU.

Ở bên kia Đại Tây Dương, các động thái của tân chính quyền Donald Trump ở Washington ngày càng khiến các đồng minh châu Âu hoang mang, bất chấp việc đầu tuần sau hai phía sẽ có những tiếp xúc chính thức đầu tiên nhân chuyến thăm châu Âu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Nghiêm trọng hơn, là nội tình ở lục địa già vẫn không có dấu hiệu gì khởi sắc.

Sau một thời gian im ắng, vấn đề nợ công của Hy Lạp bất chợt gây quan ngại trở lại trong những ngày qua khi các chủ nợ doạ đóng băng các kế hoạch giải ngân.

Thùng thuốc súng ở miền Đông Ukraina bỗng chốc được hâm nóng trong khi các cuộc bầu cử quan trọng tại Pháp và Đức đang đến rất gần.

Và để bầu không khí ảm đạm hơn nữa, tuyên bố của ông Juncker đến vào lúc mà EU đang kỷ niệm 25 năm hiệp ước Maastricht về đồng tiền chung Euro và 60 năm Hiệp ước Roma về thị trường chung châu Âu.

Điều duy nhất khó có thể trách cứ Jean Claude Juncker là ông đã trải lòng rất thật. Trên đài phát thanh của Đức, nhà lãnh đạo 62 tuổi nhận định không mấy lạc quan về tương lai châu Âu.

Ông nói: “Khi bàn về Trump và Brexit, tất cả mọi người đều nói: Đây là cơ hội lớn cho châu Âu, giờ là lúc để siết chặt đội ngũ và cùng tiến bước. Tôi hy vọng điều này đúng, nhưng có thực là mọi chuyện sẽ xảy ra như thế không? Tôi thực sự nghi ngờ. Bởi vì người Anh có thể chia rẽ 27 thành viên EU mà không phải vất vả gì. EU đang phát triển theo những đường hướng rất khác nhau giữa các thành viên, mà rất khó có thể hoà hợp được”.

Nhận định của Jean Claude Juncker, trên thực tế, là điều mà rất nhiều nhà quan sát ở châu Âu đã nói đến trong nhiều năm qua. Liên minh châu Âu đang ở vào thời điểm bản lề của lịch sử và các biến cố nghiêm trọng đến với khối này thời gian qua, chỉ cần riêng lẻ, cũng đã đủ sức đe doạ đến sự tồn tại của khối này: khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tị nạn, Brexit và mới nhất là nguy cơ đổ vỡ quan hệ đồng minh sống còn với Mỹ rồi NATO tan vỡ.

Phải đối phó với tất cả nguy cơ đó cùng lúc là một thách thức quá lớn mà châu Âu, dù có nội lực rất lớn, vẫn đang cảm thấy đuối sức.

Những diễn biến trước mắt đều không hứa hẹn điều gì quá lạc quan. Brexit gần như sẽ là một sự chia tay “cứng” khi chính phủ của bà Theresa May đã tuyên bố không nhượng bộ.

Quan hệ với Nga đang treo như một quả bom nổ chậm, khi nỗ lực duy trì sự trừng phạt cứng rắn với Moscow lại bị dội gáo nước lạnh bởi những tuyên bố đầy thiện chí với ông Putin được phát đi từ Nhà Trắng.

Và cuối cùng, bóng ma các đảng cực hữu và dân tuý đang đe doạ biến các cuộc bầu cử Tổng thống ở Pháp và lập pháp ở Đức thành cơn ác mộng với các đảng phái truyền thống, hạt nhân của dự án thế kỷ xây dựng Liên minh châu Âu hội nhập, mà những chính trị gia như ông Jean Claude Juncker là một điển hình.

Sự ra đi của ông Jean Claude Juncker (dù 2 năm nữa mới diễn ra) và cách đây 1 tháng của ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, báo hiệu sự chấm dứt của một thế hệ những chính trị gia đã lớn lên và xây dựng sự nghiệp quanh đại dự án châu Âu.

Cả ông Juncker lẫn ông Schulz đều là những gương mặt nổi bật của EU, những người trong vài năm qua đã đại diện và, ở mức độ nào đó, làm nổi bật được vai trò của các thiết chế châu Âu trong bức tranh chính trị toàn cầu. Nhưng cả hai đã và đang thoái lui, trước sức ép mệt mỏi của việc phải đuổi theo những cuộc chiến đi vào ngõ cụt của Liên minh châu Âu.

Đó rõ ràng không phải tin tức tốt lành gì với Brussels.

CTV Quang Dũng/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo EU ngày càng bi quan về châu Âu