Theo dõi trên

Cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn nhất trong hàng chục năm qua ở Tây Ban Nha làm dấy lên lo ngại bất ổn chính trị có thể kéo dài ở vùng giàu có nhất nước.

03/10/2017, 13:55

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 2/10 đã có cuộc gặp với lãnh đạo Đảng xã hội (PSOE) Pedro Sanchez, thảo luận về các bước đi tiếp theo sau cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập ở Catalonia.

Tây Ban Nha tìm cách gỡ rối sau cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia

Trưng cầu ý dân ở Catalonia đã gây ra cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn nhất trong hàng chục năm qua ở Tây Ban Nha. (Ảnh minh họa: Reuters)

Cùng ngày, Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont đã kêu gọi quốc tế làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay giữa khu vực này với chính quyền trung ương Madrid, một ngày sau khi xảy ra bạo loạn trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại đây, đồng thời cho biết đã lên kế hoạch tuyên bố độc lập trong vài ngày tới.

Thủ hiến Puigdemont đã yêu cầu Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy bày tỏ quan điểm liệu có ủng hộ vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đối thoại về tương lai khu vực này hay không. Theo ông, chính quyền tại đây không có kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha một cách đột ngột.

Thủ hiến Carles Puigdemont cũng thông báo Catalonia sẽ thành lập một ủy ban chuyên trách để điều tra về vụ bạo loạn xảy ra trong cuộc trưng cầu ý dân khiến hơn 800 người bị thương.

“Chính quyền xứ Catalonia đã quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những vi phạm đối với các quyền cơ bản đã xảy ra tại đây”, ông Puigdemont nêu rõ. “Chúng tôi yêu cầu rút toàn bộ lực lượng cảnh sát đã được triển khai ở Catalonia để chấm dứt các hoạt động đàn áp, vốn đã gây ra những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Tình hình này cần tới sự hòa giải, và như tôi đã nói, cần sự hiện diện của một bên thứ ba, mang yếu tố quốc tế để có được hiệu quả”.

Phản ứng trước cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập diễn ra hôm 1/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu - cơ quan cao nhất ngành hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng cuộc trưng cầu này là “không hợp pháp”, tuy nhiên kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha mở rộng đối thoại vì bạo lực không thể là công cụ chính trị.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/10, ông Margaritis Schinas, người phát ngôn cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh, đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, cần phải giải quyết bằng trật tự quy định trong hiến pháp quốc gia. Cũng theo vị quan chức này, thời điểm hiện tại cần thúc đẩy sự đoàn kết và đối thoại chứ không phải bạo lực.

Phương Anh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn nhất trong hàng chục năm qua ở Tây Ban Nha làm dấy lên lo ngại bất ổn chính trị có thể kéo dài ở vùng giàu có nhất nước.